Bia Chí Linh bát cổ Chí Linh bát cổ

Chưa rõ từ thời nào, người xưa đã chọn trên đất huyện Chí Linh (cũ) tám di tích cổ để suy tôn và ghi nhớ. Từ đó huyện Chí Linh được xưng danh là "Chí Linh bát cổ". Người đời nay mỗi khi nhắc đến "Chí Linh bát cổ" đều hàm ý tự hào về truyền thống văn hóa giàu có của quê hương mình. Bát cổ đó cụ thể như sau:

1-Trạng nguyên cổ đường

2-Tiều Ẩn cổ bích

3-Dược Lĩnh cổ viên

4-Nhạn Loan cổ độ

5-Thượng Tể cổ trạch

6-Phao Sơn cổ thành

7-Vân Tiên cổ động (Huyền Thiên cổ tự)

8-Tinh Phi cổ tháp

Sau đó một số nhà nho còn làm thơ ca tụng và khắc vào bia đá đặt ngay tại cổng phủ đệ Nam Sách (phủ cũ). Chùm thơ ấy người đời sau gọi là "Thơ bát cổ". Theo "Chí Linh phong vật chí" thì chùm thơ ấy do hai tác giả viết

- Người thư nhất là Nguyễn Tri Hoa, đỗ Hương cống, người Hộ Xá (nay là thôn An Xá xã Quốc Tuấn huyện Nam Sách) làm các bài:

1-Trạng nguyên cổ đường

2-Tiều Ẩn cổ bích

3-Dược Lĩnh cổ viên

4-Nhạn Loan cổ độ

5-Phao Sơn cổ thành

6-Vân Tiên cổ động

-Người thứ hai là Trần Trọng Tích, giám sinh, người xã Dục Kỳ (?) huyện Thanh Lâm làm các bài:

1-Thượng Tể cổ trạch

2-Tinh Phi cổ tháp

Bia Chí Linh bát cổ hiện được đặt tại trung tâm văn hóa thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tấm bia được làm bằng đá liền khối có hình vuông cao 2 m, rộng 0,5 x 0,5m, trên có khắc 8 bài thơ vịnh bát cảnh đất Chí Linh. Họa tiết trên mặt bia, mũ bia, đế bia được chạm khắc mộc mạc nhưng tinh xảo.